Mỹ nghiên cứu vũ khí năng lượng tạo mái vòm phòng vệ tên lửa

        Không quân Mỹ đang nghiên cứu vũ khí “năng lượng định hướng” (DE) với kỳ vọng có thể tạo được trường lực tiêu diệt cả tên lửa đạn đạo và tên lửa hạt nhân của kẻ thù.
Mỹ đang phát triển công nghệ năng lượng tạo trường lực quanh xe quân sự. Ảnh: Daily Mail      
  Công nghệ này sẽ tận dụng laser hoặc chùm hạt... để hình thành trường lực tựa như mái vòm bao phủ toàn bộ nước Mỹ.
        Tờ Daily Mail (Anh) ngày 27/7 cho biết, trong báo cáo có tên “Năng lượng định hướng tương lai 2060” của Phòng Nghiên cứu không quân Mỹ (AFRL) có đoạn miêu tả DE là “năng lượng điện từ trường góp phần tạo hiệu ứng quân sự khi sử dụng phối hợp với các hệ thống khác như vũ khí động lực”.
        DE có thể bao gồm laser, thiết bị tần số radio, sóng vi ba công suất cao, sóng milimet và chùm hạt. Chúng được kỳ vọng tạo ra ít nhất năm hiệu ứng quân sự: "phủ nhận, làm suy giảm, phá hủy, tiêu diệt hoặc đánh lừa”.
        Theo báo cáo này, trường lực sẽ được tạo ra bởi xe tải hoặc vệ tinh trang bị laser hoặc các hệ thống khác. Những thiết bị này có thể tạo một rào cản vô hình, giống như mái vòm, trên toàn bộ quốc gia. Bất kỳ tên lửa hoặc chiến đấu cơ nào của đối phương cố gắng xuyên thủng trường lực sẽ bị tiêu diệt khi tiếp xúc với các chùm năng lượng cao đó.
        Nhà khoa học Jeremy Murray-Krezan tại AFRL chia sẻ: “Chúng tôi có thể dự đoán rằng đến năm 2060, hệ thống DE sẽ ngày càng hiệu quả. DE còn có tiềm năng đạt được mục tiêu cuối cùng là trở thành khiên chắn tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hạt nhân”.
        Để công nghệ tạo ra trường lực đủ mạnh vào năm 2060, các chùm hạt, tia laser và hệ thống khác “phải truyền đi được trong phạm vi phù hợp về mặt quân sự”. Theo báo cáo của AFRL, chúng phải được tăng áp động cơ để có hiệu quả trong khoảng cách xa hơn. Khi công nghệ đạt được phạm vi xa hơn, AFRL đề xuất đặt trường lực ở độ cao trên 9km, nơi ít có khả năng tiếp xúc với con người.
Laser công suất cao đa nhiệm (MMHEL) trên một xe chở bộ binh của quân đội Mỹ. Ảnh: Daily Mail
        Báo cáo của AFRL nhấn mạnh rằng, các hệ thống DE hiện đóng vai trò quân sự quan trọng trên toàn thế giới. Chúng đã được sử dụng trong phòng không, xác định mục tiêu, theo dõi, chống trinh sát và thu thập tình báo (ISR) của đối phương cũng như chiến tranh điện tử (EW).
        Báo cáo nhấn mạnh: “Vũ khí năng lượng định hướng đang được phát triển trên khắp thế giới và DE được coi như công nghệ quân sự mang tính thay đổi cuộc chơi. Hơn nữa, có thể dự đoán rằng các đối thủ cạnh tranh, tổ chức khủng bố và tội phạm sẽ sở hữu vũ khí năng lượng định hướng tương tự với khả năng làm suy giảm, gây gián đoạn, tổn thất hoặc thậm chí phá hủy thiết bị”.
        Một số quốc gia khác cũng sử dụng công nghệ tương tự DE, ví dụ điển hình là Israel với hệ thống phòng không Vòm Sắt. Israel đã sử dụng Vòm Sắt từ năm 2011, đây là hệ thống phòng không tận dụng công nghệ radar và tên lửa đánh chặn để lần dấu, tiêu hủy tên lửa đối phương đang hướng đến.
        Vòm Sắt liên tục theo dõi các tên lửa đang hướng tới và một khi đã phát hiện mục tiêu, thông tin về tốc độ, quỹ đạo sẽ được xử lý rồi chuyển đến khẩu đội tên lửa đánh chặn. Tên lửa đối phương sẽ bị tiêu diệt ngay trên không. Vòm Sắt có thể phát hiện tên lửa đối phương ở khoảng cách 3,8km đến 70km.

        Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/quan-su/my-nghien-cuu-vu-khi-nang-luong-tao-mai-vom-phong-ve-ten-lua-760637.html

Post a Comment

Tin liên quan

    -->