Nhiều nước công nhận sách là hàng hóa thiết yếu trong mùa dịch
Giữa lúc thế giới đang phải lựa chọn đâu là ưu tiên trong thời kỳ đại dịch, một số quốc gia vẫn kiên định với việc quyết định sách là mặt hàng thiết yếu
Bỉ là quốc gia luôn duy trì việc mở cửa các hiệu sách và ưu tiên vận chuyển sách trong đại dịch. Phó thủ tướng Bỉ Georges Gilkinet giải thích trên nhật báo Le Soir: "Chúng ta luôn phải xem trọng chăm sóc sức khỏe tinh thần trong đại dịch, văn hóa giữ vai trò quan trọng, nhất là việc đọc sách".
Liều thuốc tinh thần giữa đại dịch
Buổi sáng tháng tám, bên ngoài một hiệu sách độc lập tại vùng ngoại ô London (Vương quốc Anh), Alastair Kenward, chủ tiệm Rye Books đang chuẩn bị mang sách đến giao cho khách hàng. Anh đã quen thuộc với công việc này từ khi đại dịch bùng phát vào năm ngoái."Khi không thể mở cửa hàng, tôi vẫn bán sách online và giao sách mỗi ngày. Hiện, cửa hàng của chúng tôi áp dụng chặt chẽ biện pháp phòng dịch", Kenward chia sẻ với tờ Esquire.
Tại Vương quốc Anh, vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng, các hiệu sách không được mở cửa. Tuy nhiên, việc kinh doanh trực tuyến hay giao hàng vẫn được chính phủ nước này tạo điều kiện tối đa.
"Khi giao hàng, tôi nghe mọi người nói rằng thật tuyệt khi dành thời gian đọc sách với con của họ. Các kênh bán hàng lớn như Amazon đưa sách về cuối danh mục ưu tiên, thế nên những hiệu sách độc lập như chúng tôi trở thành giải pháp", Alastair Kenward nói thêm.
Bỉ là quốc gia châu Âu đưa sách vào danh mục hàng hóa thiết yếu từ rất sớm. Ngay đợt phong tỏa đầu tiên, hầu hết loại hình kinh doanh đều phải đóng cửa để tránh dịch thì tại Bỉ, các cửa hàng chocolate và hiệu sách vẫn hoạt động. Với người dân tại quốc gia này, đây là hai loại hàng hóa thiết yếu.
Theo AP, chủ hiệu sách tại Brussels và các thành phố của Bỉ đều rất vui mừng. Họ hài lòng vì những nỗ lực của chính phủ và luôn tôn trọng việc nghiêm túc thực hiện tất cả biện pháp phòng dịch.
Anh Wouter Cajot, chủ hiệu sách Stad Leest, gần cảng Antwerp (Bỉ), chia sẻ: "Chúng tôi xem sách là hàng hóa thiết yếu. Khi khách hàng ngại ra khỏi nhà vì đại dịch, tôi vẫn có trang web để họ chọn mua. Các nhân viên giao hàng và khách cũng phần nào yên tâm vì chúng tôi hạn chế tiếp xúc".
Trong khi đó, các hiệu sách ở Đức vẫn duy trì việc bán hàng, cả trực tiếp lẫn trực tuyến.
John Owen, chủ cửa hàng Dussmann English Bookshop tại Berlin, nói với AP: "Mọi người ở đây đang tích trữ sách như cách họ tích trữ bánh mì vậy. Hàng chồng sách cao được mua trực tiếp lẫn đặt trên online, sách cho trẻ em cũng bán rất chạy".
Hoạt động trong lúc đại dịch Covid-19 lan rộng, các hiệu sách thực hiện hàng loạt biện pháp phòng dịch. Owen cho biết việc mua bán, trao đổi với khách hàng được thực hiện thông qua vách ngăn bằng nhựa và không sử dụng tiền mặt để thanh toán.
John Owen cùng đồng nghiệp cũng tính toán những biện pháp mới để đưa sách đến tay độc giả như đóng gói sẵn sách theo chủ đề, phục vụ những sở thích khác nhau...
"Tôi phải tìm cách thích ứng để mang đến trải nghiệm tốt cho khách hàng. Sách đang được đọc nhiều hơn trong đại dịch này", John Owen chia sẻ.
Bổ sung sách vào dịch vụ thiết yếu
Tại Italy, quốc gia châu Âu gặp khủng hoảng lớn vì virus SARS-CoV-2, các hiệu sách độc lập và thư viện công cộng được cho phép mở cửa với yêu cầu hàng đầu là đảm bảo biện pháp chống dịch.
Thống kê từ Hiệp hội Nhà xuất bản nước này cho thấy người dân thậm chí đọc sách nhiều hơn trước.Bộ trưởng Bộ Di sản và Hoạt động Văn hóa Italy, Dario Franceschini nhận định: "Đây là thước đo để thấy rằng nỗ lực mang đến liều thuốc cho tinh thần mỗi người là cần thiết. Văn hóa là trụ cột cơ bản của Italy và ngành công nghiệp sách chiếm vị trí quan trọng". Chủ tiệm sách đi giao hàng ở Venice (Italy)
Trước đó, khi Italy phải đóng cửa và chống chọi với làn sóng dịch như "cơn bão", chính phủ nước này đã chấp thuận đề nghị của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành cùng các hiệp hội thư viện đưa sách vào danh mục hàng hóa thiết yếu. Đặc biệt, ngày tại những vùng "đỏ" (tâm dịch), các hiệu sách vẫn được mở cửa.
Ông Ricardo Franco, Chủ tịch Hiệp hội nhà xuất bản Ý (AIE), bày tỏ: "Sách là mặt hàng thiết yếu nhất vào thời điểm như thế này. Sách giúp người Italy vượt qua nỗi cô đơn và khó khăn, kéo họ ra khỏi vòng lo lắng của tin tức tiêu cực".
Trong khi đó, tại Pháp, đất nước nổi tiếng với văn hóa và tình yêu với sách, nơi đứng đầu về số lượng giải Nobel văn học, cũng có nhiều điều chỉnh để đưa sách vào danh mục hàng hóa thiết yếu.
"Viện bảo tàng, nhà hát và cả rạp chiếu phim đều phải đóng cửa, hiệu sách và những cuốn sách là giới hạn cuối cùng để chúng ta tiếp cận với văn hóa", Anne Martelle, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sách Pháp chia sẻ trong bài phỏng vấn với tờ France 24.
Vào các đợt phong tỏa đầu tiên, các hiệu sách và kinh doanh sách vẫn còn bị hạn chế ở Pháp. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực vận động của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành, vào ngày 27/2 năm nay, chính phủ nước này đã chấp thuận đưa sách vào danh mục thiết yếu.
Bộ trưởng Văn hóa Pháp Roselyne Bachelot bày tỏ vui mừng khi trả lời phỏng vấn AFP: "Sách là hàng hóa thiết yếu, không có gì phải bàn cãi về vấn đề này cả".
Một số quốc gia khác như Mỹ, Mexico, Đan Mạch, Hy Lạp hay Tây Ban Nha, tình hình kinh doanh sách vẫn còn tùy thuộc vào mức độ phong tỏa. Song, dù các hiệu sách phải đóng cửa, hoạt động kinh doanh trực tuyến vẫn được chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện.
Trong khi đó, tại châu Á, Nhật Bản là quốc gia đi đầu trong việc duy trì việc mở cửa hiệu sách. Miễn là đảm bảo đúng các quy định phòng, chống dịch, các cửa hiệu sách tại xứ sở Mặt Trời mọc vẫn hoạt động.
Tại Trung Quốc hay Singapore, việc mở cửa hiệu sách cũng có phần hạn chế, lượng khách vào mua cũng không được quá 5 người cùng lúc. Tuy nhiên, hầu hết đơn vị phát hành đều chuyển qua kinh doanh trực tuyến. Việc tiêu thụ sách trong thời điểm dịch bệnh vẫn được tạo điều kiện tối đa.
Post a Comment